Có cần thiết phải cân chỉnh máy đo?

Thứ bảy, 10 Tháng 1 2015 15:24   - Tầm nhìn mạng số 15

Việc cân chỉnh không chỉ là tinh chỉnh thiết bị đo kiểm, mà còn là sự đảm bảo độ tin cậy và chính xác, một hình thức đảm bảo chất lượng công trình, một hợp đồng bảo hiểm cho các kết quả đo kiểm mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng.

Doanh nghiệp của bạn rất quan tâm đầu tư cho thiết bị đo kiểm cáp, thậm chí đã sở hữu những công cụ đo kiểm thương hiệu hàng đầu thế giới. Nhưng bạn vẫn thắc mắc vì sao hàng năm phải gửi thiết bị đi cân chỉnh, trong khi thiết bị vẫn hoạt động bình thường, đồng thời cũng không có thông báo hoặc yêu cầu bắt buộc cân chỉnh. Vậy vì sao phải cân chỉnh máy đo? Nhà sản xuất sẽ làm gì khi cân chỉnh, hay chỉ đơn giản là kiểm tra và thay pin?

Mối quan tâm này rất chính đáng vì doanh nghiệp không thể dùng máy trong thời gian cân chỉnh, nhất là với những đơn vị thi công có tần suất sử dụng máy thường xuyên. Tuy nhiên, hãy xem xét các rủi ro khi tiếp tục làm việc với một thiết bị hết hạn cân chỉnh. Các dự án luôn yêu cầu độ chính xác cao và chặt chẽ về sai số, nếu một đơn vị đo kiểm độc lập kiểm tra lại và có sự sai lệch về kết quả, điều gì sẽ xảy ra?

Cân chỉnh máy đo cáp

Vì sao phải cân chỉnh thiết bị?

Lĩnh vực đo kiểm chứng nhận hệ thống cáp cấu trúc được ví như một trò chơi mạo hiểm. Hãy tưởng tượng khi bạn đã hoàn thành việc đo kiểm, chứng nhận và bảo hành cho một dự án lên đến hàng ngàn node mạng, một thiết bị đo kiểm không chính xác sẽ hủy hoại tất cả công sức và uy tín của doanh nghiệp. Giả sử thiết bị không chính xác, bỏ sót các kết quả lỗi, đến khi người dùng sử dụng và gặp sự cố, các kết quả đo kiểm đó sẽ là bằng chứng chống lại đơn vị thi công, khiến chủ đầu tư mất lòng tin vào chất lượng các node mạng khác trong dự án và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín công ty. Một giả thuyết khác, nếu thiết bị đo kiểm cho kết quả lỗi trong khi tuyến cáp không có vấn đề gì, đơn vị thi công sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc một cách vô ích để tìm kiếm, sửa chữa và xử lý một sự cố không tồn tại.

Cân chỉnh máy đo cápCác nhà sản xuất máy đo kiểm hàng đầu thế giới, bao gồm Fluke Networks đã nỗ lực thiết kế và tạo ra các thiết bị đo kiểm có độ chính xác và độ tin cậy cao nhất. Đội ngũ kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng luôn cố gắng để không khách hàng nào mua phải sản phẩm kém chất lượng. Dẫu vậy, khi đưa vào hoạt động, vẫn có nhiều nguyên nhân ngoài ý muốn tác động và ảnh hưởng đến hiệu suất thiết bị.

Thời gian và môi trường làm việc là những yếu tố tác động dễ thấy nhất. Các thành phần như tụ điện, điện trở và các mạch tích hợp của thiết bị đo kiểm đều có độ ổn định rất cao. Tuy nhiên, chúng vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng và thay đổi theo thời gian, nhất là khi có thay đổi nhiệt độ, độ ẩm đột ngột trong quá trình sử dụng, lưu trữ và vận chuyển. Điển hình trong điều kiện thời tiết giá lạnh, thiết bị được giữ qua đêm trong xe hơi sau đó mang ra đo kiểm trong môi trường thi công, sự thay đổi nhiệt đột ngột sẽ tác động rất lớn đến thiết bị. Một yếu tố khác tác động ngấm ngầm hơn, là những tổn hại trong quá trình sử dụng. Ví dụ khi người sử dụng lỡ tay đánh rơi thiết bị lên mặt sàn cứng, nhiều khả năng thiết bị vẫn hoạt động bình thường do các nhà sản xuất đã dự kiến những tình huống tương tự thông qua quá trình thử nghiệm khắt khe.

Tuy nhiên, một chi tiết nhỏ nào đó bên trong có thể bị nới lỏng, thậm chí hỏng nhẹ, khiến độ chính xác của thiết bị suy giảm và làm sai lệch kết quả đo. Hoặc giả bề mặt mạch điện tử của máy đo bị nhiễm bẩn từ môi trường, làm rò rỉ dòng điện và ảnh hưởng đến độ chính xác của phép đo. Như vậy, có thể hình dung rất nhiều yếu tố cả dự đoán được lẫn bất ngờ đều có thể làm giảm tính chính xác và độ tin cậy của thiết bị đo kiểm theo thời gian.

Cân chỉnh là gì?

Doanh nghiệp có thể yên tâm và không phải lo lắng về độ chính xác của thiết bị đo kiểm thông qua việc cân chỉnh thường xuyên. Phương pháp này cũng mang lại nhiều lợi ích khác.

Bước đầu tiên của quá trình cân chỉnh cơ bản là đánh giá và hiệu chỉnh tiêu chuẩn đo lường. Thiết bị sẽ được kết nối đến một loạt các công cụ hiệu chỉnh tham chiếu theo tiêu chuẩn. Sau bước hiệu chỉnh này, thiết bị sẽ lưu lại toàn bộ dữ liệu tiêu chuẩn và đảm bảo tính chính xác cho các phép đo về sau. Một lợi ích khác của bước hiệu chỉnh này là cân chỉnh lại tính năng kiểm tra toàn diện (self-test). Đây là tính năng được tích hợp trên một số thiết bị cao cấp, cho phép tự chẩn đoán lỗi, mỗi thông báo lỗi sẽ chỉ ra một lỗi trên mạch điện tử. Các thông báo này được chẩn đoán nhờ quá trình phân tích, thống kê nghiêm ngặt từ một lượng lớn công cụ thực hiện trong môi trường khắc nghiệt, tác động đến thiết bị đo.

Bước thứ hai trong quá trình cân chỉnh là đo lường với bộ công cụ thử nghiệm (Verification Artifact–VA). Thực chất, bộ VA này là một tuyến cáp với các thông số đo kiểm được biết trước. Ví dụ, một bộ công cụ thử nghiệm suy hao (Insertion Loss Artifact) có các thông số suy hao được biết trước. Kết quả từ thiết bị đo sẽ được so sánh với kết quả tiêu chuẩn, qua đó đánh giá độ chính xác của thiết bị sau khi cân chỉnh.

Sau tất cả các bước kiểm định, thiết bị được hoàn tất thủ tục cân chỉnh, dán tem chứng nhận cân chỉnh mới, chuyển lại cho chủ sở hữu với tình trạng tốt nhất và độ chính xác cao nhất. Tần suất cân chỉnh Vậy, vấn đề ở đây không còn là "Liệu có nên cân chỉnh máy đo hay không?", mà là "Khi nào nên tiến hành cân chỉnh?" Chúng ta không thể dự đoán thời điểm thiết bị không còn hoạt động chính xác nữa. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỉ qua, với sự ra đời và hoạt động của hàng chục ngàn thiết bị đo kiểm, ta có cơ sở vững chắc để biết được tần suất khuyến nghị cân chỉnh.

Đa số các nhà sản xuất khuyến nghị nên cân chỉnh tối thiểu một năm một lần. Tần suất này đã được tính toán hợp lý, cân bằng giữa chi phí và "thời gian chết", đồng thời vẫn duy trì được độ chính xác và tính tin cậy của thiết bị đo. Tuy nhiên, tại một số quốc gia phát triển, thời gian cân chỉnh máy được yêu cầu khắt khe và mang tính bắt buộc. Như tại Singapore, các thiết bị đo lường phải được cân chỉnh trong thời hạn 6 tháng thì kết quả đo mới được chấp nhận.

Việc cân chỉnh trước thời hạn cũng được khuyến nghị cho một số trường hợp, ví dụ như trước khi đo kiểm một dự án lớn có thời gian đo kiểm dài, hoặc chủ đầu tư yêu cầu độ chính xác nghiêm ngặt. Trong trường hợp này, để đảm bảo độ an toàn và tin cậy cho dự án, việc bỏ ra khoảng 1.000 USD cho việc cân chỉnh là một khoản đầu tư hợp lý. Trường hợp thiết bị gặp các sự cố va chạm mạnh hoặc có thay đổi lớn về nhiệt độ khi sử dụng hay vận chuyển, việc xem xét cân chỉnh thiết bị trước thời hạn cũng rất cần nhằm bảo đảm an toàn và tránh rủi ro về độ chính xác cho các công trình sau đó.

Kết luận

Bài viết trên đây tập trung phân tích quy trình và tầm quan trọng của việc cân chỉnh các thiết bị đo. Nhưng các quy tắc trên cũng được áp dụng tương tự cho các môđun có khả năng tích hợp vào thiết bị đo như mô-đun quang.

Việc cân chỉnh không chỉ là tinh chỉnh thiết bị đo kiểm, mà còn là sự đảm bảo độ tin cậy và chính xác, một hình thức đảm bảo chất lượng công trình, một hợp đồng bảo hiểm cho các kết quả đo kiểm mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Bạn đã hiểu rõ giá trị của việc đo kiểm hệ thống cáp, còn giá trị của việc kiểm tra thiết bị đo kiểm thì sao? Không chỉ hệ thống cáp mới cần đo kiểm, mà cả thiết bị đo kiểm cũng cần phải được cân chỉnh.

Vũ Quang Minh
Theo Fluke Networks



Bài viết xem thêm