Bạn yêu cầu khắt khe về thiết bị đo kiểm cáp. Bạn chọn mua các thương hiệu hàng đầu và tin rằng chúng rất chính xác. Nhưng bạn thấy một số người vẫn gửi thiết bị đo kiểm đến phòng thử nghiệm để hiệu chuẩn, và tự hỏi tại sao? Câu trả lời là xét đến cùng, mọi thiết bị đo kiểm đều là điện tử và cần được hiệu chuẩn. Nhưng cần hiệu chuẩn những gì, như thế nào, hay chỉ cần thay pin mới?
Đây là mối quan tâm xác đáng, vì bạn không thể sử dụng thiết bị khi chúng đã hết thời hạn hiệu chuẩn. Nhưng hãy xem xét những mối quan tâm cũng rất có lý khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu có sự cố khiến thiết bị đo kiểm mất độ chính xác hoặc không an toàn? Điều gì sẽ xảy ra nếu dung sai chặt chẽ và độ chính xác của phép đo không còn đảm bảo? Và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang đo kiểm NEXT hoặc suy hao cho dự án, nhưng hai thiết bị đo kiểm trên cùng một phép đo lại cho ra kết quả khác nhau?
Tại sao cần hiệu chuẩn thiết bị đo kiểm?
Đo chứng nhận hệ thống cáp cấu trúc viễn thông là một trò chơi mạo hiểm. Bạn chỉ nhận được thanh toán cho công việc sau khi chứng nhận thành công tất cả các kết nối, thường lên đến con số hàng nghìn. Một thiết bị đo kiểm lỗi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: nếu thiết bị lỗi cho kết quả pass ở một kết nối không đạt, người dùng hệ thống trong tương lai sẽ rất dễ gặp phải sự cố gián đoạn mạng. Sự cố này có thể dẫn đến hành động pháp lý đối với nhà lắp đặt, buộc họ phải chịu trách nhiệm sửa chữa hoặc lắp đặt lại. Trường hợp ngược lại, nếu thiết bị lỗi cho kết quả fail ở các kết nối tốt, người lắp đặt cũng sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để sửa chữa, lắp đặt lại.
Nhóm thiết kế của Fluke Networks đã tập trung tạo ra một thiết bị đo chứng nhận hiệu quả, đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy cao. Một công cụ đảm bảo không bị lỗi khi chuyển đến tay khách hàng. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, có nhiều yếu tố không tránh khỏi có thể ảnh hưởng đến hiệu suất thiết bị.
Một trong số đó là thời gian và tác động môi trường. Hệ thống đo lường trong thiết bị có các bộ phận được thiết kế rất bền và ổn định, từ điện trở, tụ điện cho đến mạch tích hợp. Tuy nhiên, các thành phần này chắc chắn sẽ có biến đổi nhỏ theo thời gian, chủ yếu là do những tác động từ nhiệt độ và độ ẩm thay đổi thường xuyên trong quá trình vận hành, lưu kho và vận chuyển. Một thiết bị có thể bị lạnh cả đêm khi vận chuyển trong xe, rồi bị nóng lên nhanh trong môi trường văn phòng hay tại nơi thi công cần đo kiểm trong ngày. Ngay cả trong môi trường được kiểm soát tốt, các bộ phận mạch vẫn bị nóng lên và lạnh đi khi bạn tắt và mở thiết bị khi sử dụng. Một yếu tố nữa là những tác động từ môi trường khắc nghiệt. Giả sử bạn làm rơi thiết bị đo kiểm từ trên thang cao xuống nền bê tông. Thiết bị có thể vẫn hoạt động vì đã được thiết kế với khả năng chống va đập cao và thông qua quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một thành phần nào đó bên trong thiết bị có thể đã bị nới lỏng, hoặc hư hỏng. Thành phần này có thể gây ra sai số nhỏ nhất định, cho ra kết quả pass hoặc fail không chính xác. Hoặc giả sử máy đo bị ô nhiễm bởi các vật liệu làm tổn hại bề mặt của bảng mạch, dẫn đến các hiện tượng rò rỉ dòng điện, ảnh hưởng đến độ chính xác của phép đo điện trở. Có thể thấy, cả yếu tố thời gian và những tác động không mong muốn từ môi trường cũng đều làm giảm độ tin cậy và độ chính xác cho thiết bị đo kiểm.
Hiệu chuẩn là gì?
Bạn có thể tránh tất cả những điều không chắc chắn trên bằng cách hiệu chuẩn thiết bị đo kiểm thường xuyên. Điều này rất có lợi, vì bước đầu tiên của quá trình hiệu chuẩn sẽ giúp đánh giá và hiệu chỉnh kết quả đo lường. Trong quá trình này, máy đo sẽ được kết nối với một loạt dụng cụ tiêu chuẩn để hiệu chuẩn. Dụng cụ sẽ đo theo mỗi tiêu chuẩn và lưu kết quả hiệu chỉnh bên trong để đảm bảo thiết bị sau khi hiệu chuẩn sẽ chính xác trở lại. Một lợi ích nữa từ quá trình này là sẽ có thêm một bộ tự đo kiểm được thực hiện cùng lúc. Với mỗi phép đo, dữ liệu cân chỉnh nội bộ trong thiết bị sẽ được so sánh với mẫu pass/fail. Kết quả fail nghĩa là mạch bị lỗi. Các mẫu pass/fail này được tạo ra bằng phân tích thống kê nghiêm ngặt từ một lượng lớn thiết bị, và được dùng như một mẫu thử về tình trạng của thiết bị.
Bước hiệu chuẩn thứ hai liên quan đến việc đo kiểm một bộ các mẫu giả lập. Những mẫu này hoạt động tương tự một liên kết cáp trong thực tế. Ví dụ, mẫu giả lập suy hao chèn sẽ cung cấp phép đo tương tự một liên kết cáp 100 mét. Các mẫu giả lập này được sử dụng như các tiêu chuẩn. Mỗi mẫu giả lập được đo bằng một hệ thống trong phòng thí nghiệm sử dụng các thiết bị chuẩn, có độ chính xác cao và tuân thủ theo tiêu chuẩn NIST (Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia của Mỹ). Kết quả các mẫu giả lập sẽ được lưu trữ và so sánh với kết quả đo kiểm của thiết bị để thấy có sự khác biệt hay không? Sự khác biệt này được dùng để tính toán giới hạn pass/fail dựa vào các thông số kỹ thuật của máy đo.
Tóm lại, việc hiệu chuẩn thiết bị đo tại trung tâm giúp kiểm tra quá trình tự đo kiểm của thiết bị với độ nhảy cảm cao, và tính chính xác của thiết bị so với các tiêu chuẩn dưới sự giám sát của NIST. Chủ sở hữu sẽ nhận lại thiết bị của mình với trạng thái sẵn sàng hoạt động ở hiệu suất cao nhất.
Tần suất hiệu chuẩn
Cần hiệu chuẩn thiết bị đo kiểm hay không không phải là vấn đề, vì câu trả lời hiển nhiên là “Có”. Vấn đề cần quan tâm là khi nào thì nên hiệu chuẩn? Vì ta không thể đoán trước được độ sai số hay thời điểm bị lỗi của bất kỳ thiết bị nào. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ sản xuất ra hàng chục ngàn thiết bị đo kiểm phục vụ trên toàn thế giới, Fluke Networks có một cơ sở thực nghiệm vững chắc để khuyến nghị người dùng về tần suất nên hiệu chuẩn thiết bị. Theo nguyên tắc chung, bạn nên hiệu chuẩn thiết bị tối thiểu mỗi năm một lần để cân bằng hợp lý giữa chi phí hiệu chuẩn và thời gian thiết bị suy hao, đồng thời vẫn đảm bảo độ tự tin vào hiệu suất thiết bị. Và thời hạn hiệu chuẩn này cũng là yêu cầu bắt buộc của các nhà sản xuất cáp trên thế giới, khi thực hiện đo kiểm chứng nhận hệ thống kết nối cáp để họ đồng ý cấp chứng nhận bảo hành cho hệ thống cáp của bạn, khi đó bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ về chi phí thay thế và bảo hành từ phía nhà sản xuất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hiệu chuẩn thiết bị khi sắp phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. Hoặc ngược lại, hiệu chuẩn thiết bị thành công ngay sau một dự án quan trọng sẽ giúp bạn hoàn toàn tự tin về kết quả đo kiểm chính xác của dự án đó. Ngoài ra, nếu thiết bị vừa trải qua một số tác động khắc nghiệt có khả năng gây tổn hại như rơi, va chạm mạnh hoặc chênh lệch nhiệt độ lớn, việc hiệu chuẩn cũng nên được xem xét.
Kết luận
Với áp lực tăng trưởng lợi nhuận, các nhà thầu và nhà lắp đặt luôn muốn công việc được hoàn thành nhanh nhất ngay từ lần đầu tiên. Việc này đòi hỏi các thiết bị đo phải có độ chính xác cao đáp ứng các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn. Sử dụng thiết bị đo kiểm có độ chính xác không phù hợp sẽ khiến kết quả đo chứng nhận trở nên vô dụng và lãng phí thời gian.
Hiệu chuẩn không có nghĩa là “tinh chỉnh” thiết bị đo kiểm. Thay vào đó, hiệu chuẩn là một hình thức đảm bảo chất lượng, giúp bạn có thể sử dụng thiết bị an toàn và tin cậy nhất để cho ra những kết quả đo kiểm chính xác. Bạn đã hiểu tầm quan trọng của việc đo kiểm cáp. Tương tự như hệ thống cáp cần đo kiểm, thiết bị của bạn cũng cần được hiệu chuẩn.
Nguyễn Văn Đông Minh
Theo Fluke Networks