Nâng cao hiệu quả đo kiểm với điện toán đám mây

Thứ tư, 15 Tháng 6 2016 16:06   - Tầm nhìn mạng số 23

Tích hợp các dịch vụ đám mây vào máy đo kiểm sẽ hỗ trợ tốt hơn cho quá trình đo và chứng nhận hệ thống kết nối cáp, giảm thời gian đồng thời nâng cao hiệu quả công việc.

Những tiến bộ công nghệ vượt bậc trong thập kỷ qua đã cho ra đời một thế hệ thiết bị đo kiểm cáp mới với nhiều tiện ích hơn so với các dòng sản phẩm trước đó. Điểm nổi bật nhất là khả năng đo kiểm với tốc độ nhanh và ở tần số cao hơn. Việc cải thiện hiệu suất thiết bị cũng đang có những bước tiến lớn, cho phép thiết lập cấu hình nhiều dự án và luân chuyển liên tục hơn. Các dòng sản phẩm mới còn được trang bị giao diện màn hình cảm ứng điện dung, giúp giảm số lượng nút bấm, dễ thao tác và tránh gây bối rối cho người dùng.

Đo kiểm điện toán đám mây

Cải tiến mới nhất là ứng dụng điện toán đám mây vào lĩnh vực đo kiểm. Nhờ sự ra đời của mạng di động tốc độ cao và lưu trữ dữ liệu chi phí thấp, điện toán đám mây đã mở ra cách tiếp cận mới để quản lý và lưu trữ dữ liệu. Ngoài lưu vào thẻ nhớ, kết quả đo kiểm sẽ được tải lên máy chủ trên đám mây (khi có kết nối Internet), cho phép người dùng truy cập dữ liệu từ máy tính hoặc thiết bị di động bất kỳ có kết nối Internet. Điều này rất quen thuộc với những ai từng sử dụng các chương trình lưu trữ đám mây như Dropbox® hoặc Google® Drive.

Tinh giản khâu quản lý kết quả

Các nhà tích hợp cần chứng nhận hệ thống kết nối cáp vì nhiều lý do: để bảo hành, đáp ứng tiêu chuẩn hoặc đảm bảo tay nghề của người thi công. Tích hợp dịch vụ đám mây vào máy đo giúp loại bỏ nhiều vấn đề thường gây chậm trễ trong quá trình đo chứng nhận.

Quản lý kết quả là phần quan trọng và tốn nhiều thời gian trong quá trình chứng nhận bảo hành, cũng là phần rất dễ xảy ra lỗi. Theo khảo sát của Fluke Networks mới đây,

77 % người được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc quản lý kết quả. Xử lý những việc như chỉnh sửa báo cáo hoặc tổng hợp kết quả từ nhiều nguồn dữ liệu gây lãng phí đến 7,9 giờ mỗi tháng. Sử dụng một máy đo chuyên biệt cho một loại cáp trong dự án là giải pháp hay để giải quyết vấn đề, nhưng sẽ rất lãng phí nếu xét về hiệu quả thiết bị. Do đó, các nhà thầu hiếm khi chọn giải pháp này, mà thường sở hữu hoặc thuê nhiều máy đo và sử dụng mỗi máy cho nhiều loại cáp ở nhiều dự án khác nhau. Điều này cho phép họ tối ưu hóa hiệu quả, hoàn thành nhiều công việc trong thời gian ngắn hơn nhưng lại dẫn đến các rủi ro khi kết quả đo kiểm công trình nằm ở nhiều máy đo khác nhau.

Theo khảo sát, các nhà thầu sẽ phải tốn thêm 7,3 giờ mỗi tháng để chờ kết quả gửi về do máy và dữ liệu đã được gửi đến công trình khác, hoặc tệ hơn là người dùng máy vô tình xóa đi dữ liệu, khiến họ phải đo kiểm lại một lần nữa. Những rủi ro như thẻ nhớ bị lỗi, mất dữ liệu hoặc máy đo bị mất cắp cũng đồng nghĩa sẽ phải đo kiểm lại nhiều dự án và lãng phí hàng tá thời gian, dù sự cố này hiếm khi xảy ra. Khảo sát cũng cho thấy số lượng sự cố gặp phải tỉ lệ thuận với số lượng máy đo sử dụng. Với những hệ thống lớn sở hữu càng nhiều máy đo, trở ngại mà nhà tích hợp phải đối mặt càng nhiều.

Ứng dụng dịch vụ đám mây sẽ giúp tinh giản khâu quản lý kết quả và giải quyết những trở ngại trên:

  • Đưa kết quả lên đám mây sẽ giảm thiểu nguy cơ thất lạc dữ liệu.
  • Người giám sát có thể truy cập vào kết quả từ bất kỳ đâu, đồng nghĩa không cần phải chuyển máy đo đến chỗ người giám sát, tiết kiệm thời gian để luân chuyển máy đo giữa các công trình hiệu quả hơn và giảm chi phí nhân công xuống mức thấp nhất.
  • Người quản lý dễ dàng tổng hợp kết quả ngay cả khi có nhiều máy đo được sử dụng hoặc kết quả được thực hiện tại những thời điểm khác nhau.

Việc tiếp cận dữ liệu tốt hơn giúp các nhà quản lý có cái nhìn bao quát về tiến độ dự án. Bằng cách theo dõi kết quả đo kiểm trên thiết bị di động mọi lúc mọi nơi, các nhà quản lý sẽ giúp kỹ thuật viên tại công trường khắc phục sự cố kịp thời và hiệu quả hơn. Ngoài ra, khả năng truy cập kết quả những dự án trước đó cho phép so sánh dự án hiện tại với các dự án tương tự để cải thiện quy trình nội bộ và cung cấp thông tin phản hồi tốt hơn giúp tăng hiệu quả công việc và tiết kiệm nhiều chi phí. Lưu trữ đám mây có lợi cho tất cả mọi người, từ nhân viên kỹ thuật đến các chủ doanh nghiệp.

Máy đo tích hợp điện toán đám mây hỗ trợ một số hình thức quản lý hiệu quả như: cho phép truy cập kết quả trực tuyến và biên tập chúng thành báo cáo kỹ thuật số mọi lúc mọi nơi; hỗ trợ cân chỉnh và thiết lập thông số đo từ xa, cho phép người quản lý thiết lập tham số và gửi chúng đến máy đo đang làm việc ở công trường.

Dịch vụ điện toán đám mây cho lĩnh vực máy đo vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nên ta có thể chờ đợi nhiều khả năng và tính năng mới sẽ được bổ sung trong tương lai.

Phòng tránh lỗi trước khi xảy ra

Nhờ khả năng thiết lập và điều khiển máy đo từ xa, kỹ thuật viên sẽ xử lý được nhiều công việc hơn. Việc tải lên và kiểm tra lại thông số bất cứ lúc nào giúp các kỹ thuật viên chưa nhiều kinh nghiệm tự tin hơn khi ra công trường, giảm thời gian tiêu tốn cho việc đo kiểm lại các kết nối lỗi do thiết lập thông số sai, sử dụng giới hạn đo kiểm không chính xác hoặc nhầm lẫn trong định danh kết nối. Một số thiết bị đo hiện đại còn có cả giao diện đồ họa hướng dẫn chi tiết cách thiết lập các thông số đo, chẵng hạn như minh họa cách kết nối các dây đo quang và hướng dẫn từng bước để thiết lập tham chiếu đo kiểm sợi quang theo phương pháp 1-jumper. Bước thiết lập tham chiếu này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cả phép đo và đảm bảo hệ thống có được các hãng bảo hành hay không. Đây cũng chính là một trong những khâu gây nhiều lỗi nhất trong quá trình đo chứng nhận sợi quang. Tất cả các tính năng trên đều nhắm đến mục tiêu phòng tránh lỗi trước khi xảy ra.

Khi lập kế hoạch sử dụng các thiết bị tích hợp tính năng điện toán đám mây, doanh nghiệp cần xem xét ba lưu ý sau:

- Đầu tiên, cần có kết nối Internet ổn định để tải dữ liệu lên đám mây. Tùy vào công trình, không phải lúc nào cũng dễ dàng truy cập Internet. Khi đó, máy đo phải lưu trữ kết quả cục bộ (ví dụ trên thẻ nhớ) cho đến khi được tải lên đám mây.

- Thứ hai, doanh nghiệp phải tuân theo chính sách cụ thể về bảo mật dữ liệu do kết quả đo kiểm thường được lưu trữ trên một máy chủ bên thứ ba và không được kiểm soát trực tiếp.

- Cuối cùng, đơn vị được thuê để đo kiểm nên thống nhất quy luật đánh nhãn với chủ đầu tư trước khi bắt đầu công việc. Quy luật này vừa giúp chủ đầu tư quản lý hiệu quả hệ thống kết nối cáp về sau, vừa giúp đơn vị thi công tránh được lỗi định danh sai kết nối làm kéo dài tiến độ dự án. Doanh nghiệp có thể tham khảo một số tiêu chuẩn như ANSI/TIA-606-B hay ISO/IEC TR 14763-2-1 để có quy luật đánh nhãn phù hợp từng dự án của mình.

Dự đoán về các tính năng trong tương lai

Từ những cải tiến đầu tiên là thiết lập cấu hình và quản lý từ xa, ta có đủ cơ sở để chờ đợi nhiều tính năng tự động hóa sẽ được trang bị cho máy đo trong tương lai để hoàn thành một số công việc nhất định. Chẳng hạn, máy đo có thể tự động tải các cấu hình thích hợp dựa trên loại cáp cần được đo kiểm. Khi có lỗi trong quá trình đo kiểm, máy đo có đủ thông minh để tìm kiếm lịch sử các kết quả lưu trữ trong cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp thông tin phản hồi hữu ích về những kết nối lỗi và đề nghị sửa chữa.

Hiện tại, ta có thể thấy trước ứng dụng điện toán đám mây sẽ cải thiện việc quản lý và sử dụng thiết bị đo kiểm, quan trọng là tận dụng như thế nào để mang lại giá trị tối đa cho doanh nghiệp. Máy đo cũng có thể tự động theo dõi và thông báo cho người dùng khi cần bảo trì, tương tự như đèn báo “kiểm tra động cơ” trong xe hơi.

Kết luận

Dịch vụ điện toán đám mây trong lĩnh vực đo kiểm là một khái niệm tương đối mới nhưng đã phát huy được giá trị trong việc tiết kiệm thời gian và tinh giản quy trình quản lý. Việc ứng dụng điện toán đám mây sẽ tiếp tục cung cấp nhiều tính năng mới để cải thiện quá trình đo chứng nhận hệ thống kết nối cáp, mang đến nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp.

Lâm Tấn Minh Tâm
Theo Fluke Networks



Bài viết xem thêm