Quản lý cơ sở hạ tầng kết nối ở lớp vật lý là một hành trình từ đơn giản đến phức tạp: từ đánh nhãn trên các sợi cáp cho tới một hệ thống quản trị cơ sở hạ tầng thông minh.
Tất cả các kết nối từ môi trường mạng cho văn phòng đến trung tâm dữ liệu ngày càng khiến lớp vật lý trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, đối với mọi tổ chức, việc duy trì và quản lý các kết nối ở lớp vật lý đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Lớp vật lý là nền tảng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất hoạt động của toàn bộ hệ thống mạng. Để nâng cao khả năng giám sát và quản lý, cải thiện năng suất và thời gian đáp ứng, đồng thời giảm thiểu thời gian gián đoạn và chi phí hoạt động của hệ thống, các nhà quản trị mạng đang ra sức tìm kiếm giải pháp tối ưu để quản lý hạ tầng kết nối quan trọng này.
Bài viết này sẽ giới thiệu hai giải pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc quản lý cơ sở hạ tầng kết nối ở lớp vật lý: Đánh nhãn và hệ thống quản trị thông minh. Việc đánh nhãn cho các sợi cáp và các cổng kết nối vẫn là cách quản lý phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, những đòi hỏi về các giải pháp quản trị hệ thống thông minh cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Tiêu chuẩn về quản trị
Tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B là tiêu chuẩn về quản trị cơ sở hạ tầng kết nối cáp viễn thông, được phê duyệt vào tháng 6/2012. Mục đích của tiêu chuẩn này là đưa ra những chỉ định về quản trị cho hệ thống kết nối cáp viễn thông; và là tài liệu chỉ dẫn cách đánh nhãn, cũng như cách quản trị thông tin của hầu hết các thành phần trong hệ thống kết nối cáp đã lắp đặt, giúp người quản trị nhận biết và nắm bắt nhanh chóng thông tin của các thiết bị, giảm chi phí bảo trì và làm tăng tuổi thọ của hệ thống.
Tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B vẫn là tiêu chuẩn phổ biến nhất hiện nay trong việc đánh nhãn và định danh các kết nối cáp, sử dụng lược đồ định danh của phụ lục đầu tiên trong tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-A trước đây. Tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B này cũng bao gồm các quy định về không gian và khu vực viễn thông như các hệ thống kết nối cáp ngang & cáp trục bên trong và bên ngoài tòa nhà, các hệ thống tiếp đất và nối đất cho hệ thống viễn thông và những khu vực khác vốn chưa từng được đề cập trong tiêu chuẩn quản trị của ANSI/TIA-606-A trước đó.
Tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B dựa vào quy mô của hệ thống mà phân ra thành bốn lớp quản trị chính. Một hệ thống mạng càng lớn và càng phức tạp, thì có chỉ số lớp càng cao. Lớp 1 bao gồm chỉ một phòng thiết bị đơn là không gian viễn thông duy nhất phục vụ cho toàn bộ hệ thống mạng trong tòa nhà; Lớp 2 gồm nhiều phòng viễn thông trong một tòa nhà; Lớp 3 đề cập đến các phòng viễn thông trong một môi trường có nhiều tòa nhà (campus) và lớp 4 đề cập đến một hệ thống mạng rất lớn tại nhiều địa điểm khác nhau (multi-campus).
Đánh nhãn
Khi mới hoàn thiện, ANSI/TIA-606-B là một “đỉnh cao của năm”, đại diện cho nỗ lực của nhiều chuyên gia, nhà lắp đặt, kỹ sư và khách hàng để tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn tốt nhất có thể. Từ thời điểm đó, ANSI/TIA-606-B đã thay đổi cách thức làm việc hàng ngày của nhiều chuyên gia thiết kế, nhà lắp đặt và nhà quản lý hệ thống kết nối cáp. Cụ thể, việc dùng các thiết bị truyền thông di động để làm việc đã phố biến hơn từ khi ANSI/TIA-606-B được phát triển. Các nhà cung cấp thiết bị đánh nhãn đã thiết kế nhiều ứng dụng di động cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng của chính họ dùng để thực hiện việc thiết kế và in nhãn cáp trực tiếp ngay trên những thiết bị này thay vì phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng cho việc đánh nhãn.
Tháng 02/2014, HellermannTyton giới thiệu phần mềm TagPrint Xpress Data, một ứng dụng di động được xem như là hướng dẫn tham khảo cho tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B và cũng là một công cụ đánh nhãn được thiết kế đặc biệt cho các TTDL. “Ứng dụng này cung cấp một hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu về phương pháp quản lý đánh nhãn theo tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B đối với cơ sở hạ tầng kết nối cáp viễn thông và cho phép người dùng sử dụng tính năng in ấn không dây cực kỳ hiệu quả với mọi định dạng nhãn hiện đang sử dụng trong TTDL, hoặc bất kỳ nhãn nào áp dụng theo tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B. Ứng dụng này được thiết kế để sử dụng kết hợp với máy in nhiệt, cho phép biến thiết bị di động của người dùng thành một công cụ thiết kế in không dây thay thế cho việc phải sử dụng máy tính xách tay hoặc máy để bàn.”
Cuối năm 2014, Brother cũng giới thiệu ứng dụng đánh nhãn cáp và các thiết bị viễn thông di động dành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng - ứng dụng Label Tool. Các ứng dụng cho phép người dùng “thiết kế và in nhãn cho các hệ thống mạng mới hoặc mạng hiện có nhờ những tiện ích từ chính thiết bị di động của họ”. Ứng dụng cung cấp sẵn các mẫu nhãn như dạng bảng, dạng cuộn tròn, dạng phẳng, dạng cờ,…. Tất cả các mẫu này đều dựa vào các định dạng được quy định trong tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B, giúp người thi công thuận tiện hơn khi đánh nhãn các thiết bị phần cứng trong hệ thống mạng, cũng như các đặc điểm kỹ thuật của chúng.
Quản lý tự động
Khi mời gọi mọi người tham gia vào dự án phát triển ANSI/TIA-606-B-1, Ủy ban kỹ thuật TR-42.6 về quản trị thiết bị và hạ tầng viễn thông đã giải thích: “Mục đích của phụ lục này là để cập nhật các chức năng cốt lõi, những tính năng phụ trợ và các khuyến nghị về cách dùng các hệ thống quản lý cơ sở hạ tầng kết nối cáp tự động (AIM) theo quy định trong ANSI/TIA-606-B sao cho hài hòa với tiêu chuẩn ISO/IEC 14763-2-1 về triển khai và vận hành hệ thống kết nối cáp cấu trúc của khách hàng, và ISO/IEC 18598 về hệ thống quản lý cơ sở hạ tầng tự động.”
Trên trang blog của tiêu chuẩn Informant, Siemon giải thích, ISO/IEC 18598 “sẽ xác định các yêu cầu và đề xuất cho các hệ thống AIM dùng để quản lý các hệ thống kết nối cáp phức tạp. Hệ thống AIM có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và mang lại nhiều tiện ích liên quan đến việc quản lý cơ sở hạ tầng kết nối cáp và các thiết bị kết nối; tạo thuận lợi cho quy trình quản lý CNTT và các hệ thống khác (như hệ thống tòa nhà thông minh); theo dõi và quản lý tài sản, đồng thời sẽ phát ra cảnh báo khi có sự xâm nhập trái phép. Nhờ những hỗ trợ này, hệ thống AIM còn được xem là “hệ thống quản lý cơ sở hạ tầng kết nối thông minh.”
Giữa tháng 4, Siemon giới thiệu EagleEye Connect như là giao diện quản lý tập trung cho hệ thống AIM của Siemon. ”Đây là giải pháp phần mềm thu thập, giám sát và lưu trữ dữ liệu báo cáo thông minh dựa trên máy chủ. Với tính năng bảo mật tăng cường, giúp phòng chống mất dữ liệu và tuân thủ các quy định về an toàn như HIPAA. Ưu điểm này kết hợp với tính năng tăng khả năng đáp ứng và đảm bảo tính chính xác của hệ thống khi cần di chuyển, thêm và thay đổi thiết bị, giúp giảm đáng kể thời gian chết và chi phí điều hành. Sử dụng phần mềm này để giám sát tài sản theo thời gian thực còn cho phép khách hàng tối đa hóa hiệu suất sử dụng các cổng kết nối và không gian rack của họ, giảm thiểu chi phí vốn.”
Mới đây, một hệ thống quản lý lớp vật lý thông minh có sẵn từ năm 2011 đã được cập nhật và nâng cấp để phục vụ cho môi trường kết nối cáp mật độ cao hơn. Giải pháp Quareo của TE Connectivity sử dụng công nghệ xác định điểm kết nối (CPID) – một công nghệ cho phép tự động phát hiện và ghi chú các sự kiện kết nối mạng lớp vật lý mà không cần sự can thiệp nào từ người kỹ thuật. CPID được kích hoạt bằng cách bổ sung một con chip trên mỗi đầu nối cáp trong hệ thống mạng. Hiện TE Connectivity đang cung cấp giải pháp quản lý lớp vật lý thông minh Quareo này trên các hệ thống kết nối cáp Cat.6 và Cat. 6A; hệ thống kết nối cáp sợi quang LC và MPO. Mỗi chip được sản xuất và lập trình sẵn tại nhà máy với nhiều thông số quan trọng phục vụ cho việc quản lý các hệ thống kết nối cáp.
Xác định điểm kết nối
Damon DeBenedictis, giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Mỹ của TE Connectivity giải thích, các chip CPID chứa rất nhiều thông tin về nguồn gốc của thiết bị, bao gồm số định danh ID duy nhất, mã hàng, loại hàng, tên hàng, xuất xứ, ngày sản xuất, hiệu suất,…. Các hộp đấu nối sợi quang Quareo cũng chứa thông tin tương tự, và có khả năng phát hiện mọi hoạt động từ các cổng đang kết nối, và có thể đọc được dữ liệu từ các đầu nối có chứa CPID và có cả đèn LED hiển thị giúp nhận biết và xác định nhanh tình trạng hoạt động của cổng kết nối.
Ngoài ra, chip CPID còn đếm được số lần cắm rút trên các cổng, cho phép quản trị mạng biết được tình trạng và thông tin chi tiết nhất định về mỗi cổng. Điều này giúp người quản trị mạng có thể nhận biết nhanh ba trạng thái sau đây: 1 – độ sẵn sàng của cổng kết nối; 2 – cổng đã kết nối chưa và các chi tiết cụ thể của kết nối khi CPID được cắm vào; và 3 – kết nối có phải loại CPID không.
Gần đây, TE Connectivity đã tiến hành cập nhật mới một số thành phần của giải pháp Quareo, bao gồm cả thông tin giới thiệu danh sách các phần mềm trung gian cho phép người dùng có thể tích hợp giải pháp Quareo vào phần mềm quản lý cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu riêng của người dùng (DCIM).
Ngoài phần mềm quản lý, TE Connectivity còn bổ sung thêm một số thiết bị phần cứng mới như hộp đấu nối sợi quang (ODF) mật độ cao vào dãy sản phẩm Quareo. “Các sản phẩm mới mang đến nhiều lựa chọn cho các hệ thống mạng văn phòng và trung tâm dữ liệu, hỗ trợ yêu cầu quản lý lớp vật lý của hệ thống mạng một cách chính xác theo thời gian thực.”
Các khung đấu nối sợi quang mật độ cao - NG4access “giúp việc phân phối dễ dàng hơn với mật độ sợi quang lên đến 3.456 sợi trên mỗi khung”. Với những đổi mới trong khay truy cập, các bộ chuyển đổi, và mô-đun MPO cho phép người dùng lắp đặt và duy trì một lượng lớn các sợi cáp với tốc độ nhanh hơn, dễ dàng và ít tốn kém hơn so với các giải pháp ODF có sẵn trên thị trường trước đó. Các ODF NG4access thường được dùng để triển khai trong khu vực phân phối chính của trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra, các nhà quản trị vẫn có thể triển khai các dòng sản phẩm mới của Quareo tại khu vực thiết bị với hộp đấu nối quang mật độ cao. Hộp đấu nối này có kích thước chỉ 1U của tủ rack, nhưng có thể chứa đến 144 kết nối LC, hoặc 1.152 kết nối MPO loại 24 sợi. Hơn nữa, việc thay đổi hoặc nâng cấp các mô-đun này là rất dễ dàng mà lại không gây ảnh hưởng đến các khay truy cập liền kề khác.
Khả năng quản lý và vận hành các kết nối cáp là một trong những tính năng quan trọng của hộp đấu nối sợi quang mới này. Các kết nối cáp sợi quang được đặt trong một “cánh tay” quản lý cáp sẽ hoạt động như một bảng hướng dẫn định tuyến. Khi người dùng mở hoặc đóng các hộc của hộp đấu nối, các “cánh tay” cũng sẽ mở hoặc đóng cùng lúc với hộp đấu nối. Tính năng này cùng tồn tại ở cả mặt trước và mặt sau của hộp đấu nối sợi quang mới này.
Kết luận
Trong lĩnh vực quản lý và điều hành cơ sở hạ tầng kết nối cáp khá phức tạp, bạn có thể tìm ra giải pháp trong các sản phẩm tương đối đơn giản như máy in nhãn, cũng như các sản phẩm cao cấp của giải pháp quản lý hạ tầng kết nối cáp thông minh sử dụng các chip. Những giải pháp này khi kết hợp với nhau sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc vận hành và quản lý hệ thống mạng, đảm bảo cho hệ thống mạng luôn ổn định, góp phần không nhỏ vào sự thành công của doanh nghiệp.