Thiết bị đo kiểm giá rẻ nhưng không rẻ

Thứ ba, 27 Tháng 2 2018 14:51   - Tầm nhìn mạng số 33

Khi chọn lựa thiết bị đo kiểm cáp mới, nhà thầu và chủ sở hữu thường cân nhắc “Nên mua với giá bao nhiêu”? Đây là câu hỏi quan trọng và không dễ trả lời bằng cách chỉ nhìn vào bảng giá. Một thiết bị đo kiểm giá rẻ có thể thấp hơn vài ngàn USD lúc mua ban đầu, nhưng lại khiến chủ sở hữu lãng phí hàng chục ngàn USD hiệu suất trong suốt thời gian sử dụng.

Bài viết này sẽ phân tích những chi phí tiềm ẩn đắt đỏ mà bạn có thể gặp phải khi chọn mua một thiết bị đo kiểm giá rẻ.

Thiết bị đo chứng nhận cáp ?

Các thiết bị đo chứng nhận giúp trả lời câu hỏi: cáp này có phù hợp với các tiêu chuẩn không? Ví dụ: tiêu chuẩn TIA-568-C.2 Cat. 6A hoặc ISO 11801 Class FA. Các thiết bị đo chứng nhận là công cụ duy nhất giúp xác định thông tin kết nối có “đạt” hay “không đạt” (pass/fail), qua đó chứng nhận cáp có phù hợp với tiêu chuẩn TIA hoặc ISO.

Các nhà lắp đặt hoặc nhà quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp sẽ sử dụng thiết bị đo kiểm để đảm bảo hệ thống cáp đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết. Nhà sản xuất cáp thường phải đo chứng nhận trước khi bảo hành, và doanh nhiệp thì cần đo chứng nhận trước khi lắp đặt hệ thống kết nối cáp.

Đo chứng nhận cáp là phép đo nghiêm ngặt nhất. Một thiết bị đo chứng nhận phải thực hiện nhiều phép đo trên các dải tần số được xác định trước, rồi so sánh kết quả chi tiết với các tham số tiêu chuẩn do Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông TIA hoặc tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO quy định. Thiết bị đo kiểm phải đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu về độ chính xác theo chuẩn ANSI/TIA 1152 hoặc ISO/IEC 61935-1.

Thiết bị đo chứng nhận tốt không chỉ hỗ trợ nhiều tiêu chuẩn mà còn giúp chuẩn đoán lỗi trong hệ thống kết nối cáp. Thiết bị đo kiểm giá rẻ thường không thể phân tích các kết nối “fail” có nguyên nhân do cáp kém chất lượng.

Chi phí tiềm ẩn của các thiết bị đo chứng nhận giá rẻ

Yêu cầu đối với thiết bị đo kiểm đạt chuẩn: phải hỗ trợ các tiêu chuẩn cáp mới nhất, gồm cả tiêu chuẩn TIA và ISO cho các hệ thống cáp đồng đôi xoắn UTP, STP/FTP; cáp quang (đơn và đa mode); và các tiêu chuẩn IEEE. Các thiết bị đo giá rẻ thường không đáp ứng được những quy định trong các tiêu chuẩn này, và khi kết quả tham chiếu pass/fail nhận được không chính xác, sẽ gây phát sinh thêm nhiều chi phí ẩn trong quá trình đo kiểm.

Độ chính xác: là sai số lớn nhất giữa giá trị đo được bởi máy đo và giá trị thật. Các tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp cáp đã đưa ra nhiều tham số giúp các thiết bị đo chứng nhận có thể xác định tuyến cáp có tuân thủ tiêu chuẩn hay không. Ngoài ra, còn có quy định về hiệu suất tối thiểu và mức độ chính xác cho thiết bị đo kiểm. Mỗi loại cáp đồng sẽ đòi hỏi một độ chính xác tương ứng. Sử dụng thiết bị đo kiểm có độ chính xác không phù hợp với loại cáp cần đo sẽ khiến kết quả đo chứng nhận trở nên vô dụng và lãng phí thời gian.

Hiệu suất: Tổng thời gian đo chứng nhận cáp bao gồm: thiết lập thông số, đo kiểm, lưu kết quả và làm báo cáo. Công nghệ tiên tiến và tốc độ xử lý tăng giúp tiết kiệm đáng kể thời gian đo kiểm. Ví dụ: Thiết bị đo kiểm DSX CableAnalyzer giúp tiết kiệm hơn 10 giây cho mỗi lần đo kiểm. Ngoài ra, hiệu suất còn được nâng cao nhờ độ tiện dụng và hiển thị trực quan trên thiết bị. Thiết bị đo kiểm giá rẻ thường được quảng cáo là có tốc độ nhanh, nhưng hiệu suất lãng phí khi đo kiểm trên thực tế lại làm tăng tổng thời gian làm việc lên gần gấp đôi (chậm hơn 50%).

Phương pháp đo : Tiến hành đo chứng nhận ra sao cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả đo kiểm. Trước khi tiến hành đo kiểm, điều quan trọng nhất là lựa chọn phương pháp đo permanent link (PL - đo từ thanh đấu nối cáp đến ổ cắm mạng người dùng, bao gồm các khớp nối nếu có) hay đo channel (đo toàn tuyến, gồm cả cáp đấu nối ở hai đầu). Thiết bị đo kiểm tốt có thể thực hiện được cả hai phương pháp này một cách hiệu quả và chính xác theo tiêu chuẩn.

Khi lắp đặt hệ thống cáp mới, đội ngũ thi công thường không chịu trách nhiệm về dây cáp nhảy hoặc cáp đấu nối thiết bị. Họ chỉ phụ trách kéo dây cáp, đánh nhãn, bấm đầu và xác nhận hiệu suất của những kết nối cố định permanent link. Những kết nối này không đại diện cho toàn tuyến kết nối giữa các thiết bị mạng. Để chứng nhận toàn tuyến kết nối đầu cuối thì phải đo theo channel bao gồm các dây nhảy được lắp đặt ở cả hai đầu của kết nối.

Các tiêu chuẩn chấp nhận phép đo channel nếu dây nhảy được dùng khi đo kiểm sẽ để lại cho người dùng và được giữ nguyên vị trí đến hết vòng đời hệ thống cáp. Đây là một yêu cầu rất khó thực hiện, vì mỗi lần đo kiểm thường phải thay mới dây nhảy. Do đó, phương pháp đo permanent link thường được chọn hơn nhờ hai ưu thế sau:

1. Đo chứng nhận PL phù hợp với quy trình lắp đặt điển hình theo mô tả ở trên. Các đội lắp đặt hiếm khi, hoặc không bao giờ đo kiểm với dây nhảy. Và với bất kỳ lắp đặt hệ thống cáp nào, việc để lại dây nhảy kết nối với ổ cắm là điều phi thực tế.

2. Đo PL đúng cách sẽ cho ra kết quả chính xác về hiệu suất các kết nối cố định, đảm bảo một kết nối cố định đã “pass” sẽ tạo ra một kênh “pass” vì dây nhảy đã được kiểm tra kỹ từ nhà máy. Điều này đúng với tất cả các loại cáp, bao gồm cả cáp Cat. 6A.

Trải nghiệm người dùng: Thiết bị đo kiểm phải là công cụ hiệu quả và tiện dụng cho người dùng. Các thiết bị đo kiểm giá rẻ thường bỏ qua những điều cơ bản mà kỹ thuật viên cần để hoàn thành công việc. Chẳng hạn: pin phải cung cấp đủ cho cả ngày làm việc (từ 8 – 10 giờ đồng hồ sau khi sạc với nguồn điện AC). Sau đó, pin chỉ cần sạc trong ít hơn một nửa thời gian mà không cần tháo ra khỏi máy đo. Giao diện người dùng nên đơn giản hơn những gì các kỹ thuật viên giỏi cần. Điều này giúp giảm khó khăn cho người dùng mới và các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm thì sẽ làm việc hiệu quả hơn thông qua các tổ hợp phím tắt và giao diện người dùng trực quan. Các bộ phận thay thế, dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật cần luôn sẵn sàng để hỗ trợ người dùng truy cập bất kỳ lúc nào. Các thiết bị đo kiểm giá rẻ sẽ không rẻ nếu tính thêm các dịch vụ hỗ trợ này.

Khả năng khắc phục sự cố: Thiết bị đo chứng nhận cần có khả năng khắc phục bất kỳ kết nối nào không “pass” theo tiêu chuẩn cáp. Việc cho ra kết quả pass hoặc fail chính xác là rất tốt, nhưng chỉ là bước đầu tiên. Nếu kết quả là fail, kết nối cần được khắc phục để có được kết quả tốt như dự định. Lý do kết quả đo chứng nhận “fail” thường phân ra hai loại: vấn đề về kết nối hoặc vấn đề về hiệu suất truyền tải.

Có nhiều công cụ giúp cung cấp thông tin liên quan đến các vấn đề về kết nối như bị hở, bị đứt, ngắn mạch … Tuy nhiên, một thiết bị đo chứng nhận tốt nên bao gồm tính năng xác định đúng vị trí đoạn cáp bị đứt hoặc ngắn mạch, đồng thời xác định được các lỗi do kết nối cáp không đúng cách. Ngoài ra, thiết bị đo kiểm tốt còn phải có tính năng chuẩn đoán và khắc phục sự cố nâng cao, giúp xác định đúng vị trí lỗi trên đường truyền. Với kết quả chuẩn đoán này, người dùng có thể cải thiện đáng kể hiệu suất xử lý và khôi phục lại dịch vụ một cách nhanh chóng.

Ví dụ: để lắp đặt cáp có hiệu suất cao, điều quan trọng là phải đảm bảo tốt độ xoắn ban đầu của các cặp dây bên trong các phần cứng kết nối (ổ cắm, đầu nối cáp, thanh đấu nối). Cả suy hao NEXT và Return đều bị ảnh hưởng bởi độ xoắn dây ở các phần cứng kết nối. Thiết bị đo kiểm giá rẻ không thể xử lý các vấn đề về suy hao NEXT như các thiết bị đo kiểm tốt. Vì khi gặp sự cố, kỹ thuật viên có thể phải bấm lại đầu nối để loại bỏ các vấn đề. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận thử và sai để sửa chữa một liên kết hỏng sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, và hiệu quả khắc phục lỗi cũng không đảm bảo. Có thể tránh cách làm kém hiệu quả này bằng cách sử dụng một thiết bị đo chứng nhận có công cụ hỗ trợ chuẩn đoán chuyên sâu, giúp xác định nhanh nguồn gốc sự cố, kỹ thuật viên có thể tiến hành khắc phục lỗi ngay lập tức và chỉ một lần duy nhất. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm chi phí thay thế.

Bảo hành và chứng nhận: Nếu bạn là nhà lắp đặt và cần chứng minh với chủ sở hữu tòa nhà rằng tất cả cáp đã được lắp đặt chính xác, bạn phải đo kiểm để chứng nhận hệ thống cáp. Đo chứng nhận theo chuẩn TIA hoặc ISO là lựa chọn duy nhất để hệ thống của bạn nhận được sự hỗ trợ về chi phí thay thế và bảo hành từ phía nhà sản xuất. Nếu bạn cần đo kiểm một hệ thống mạng hỗn hợp gồm cả cáp đồng và quang, các thiết bị đo chứng nhận chất lượng cao sẽ là lựa chọn tốt nhất. Một thiết bị đo kiểm chất lượng cao như Versiv (được đảm bảo bởi các nhà sản xuất phần cứng kết nối hoặc nhà sản xuất cáp) sẽ cung cấp các kết quả đo chứng nhận đầy đủ và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn cáp.

Tài liệu: Thiết bị đo kiểm phải có khả năng tài liệu hóa các kết quả đo kiểm. Việc chứng nhận sẽ không đầy đủ, thậm chí không hợp lệ nếu kết quả đo kiểm không được lưu trữ lại.

Thiết bị đo chứng nhận tốt sẽ cung cấp một số tùy chọn để ghi lại, lưu trữ và tải lên các kết quả đo kiểm. Dữ liệu lưu trữ trong cơ sở dữ liệu sẽ được bảo vệ tốt hơn nhiều so với dữ liệu đã in ra. Thông thường, các nhà thầu sẽ bàn giao một mớ tài liệu giấy khổng lồ của các kết quả đo kiểm, duyệt qua mớ tài liệu này sẽ vô cùng mất thời gian. Máy đo kiểm có trang bị chương trình phân tích dữ liệu sẽ cho phép người dùng xem các kết quả đo kiểm với giao diện đồ họa về tham số bất kỳ của một liên kết có trong cơ sở dữ liệu chỉ với một vài cú nhấp chuột.

Các tiêu chuẩn cũng có quy định về việc lưu tài liệu, gồm một số tùy chọn cho phép ghi lại các kết quả đo và số lượng tài liệu tối thiểu của máy đo. Một bộ nhớ lớn sẽ rất cần thiết để lưu trữ tất cả dữ liệu, dự phòng những yêu cầu sau này, ví dụ: kết quả hồ sơ đo kiểm cho một kết nối Cat. 6 sẽ gồm khoảng 54.000 giá trị đo lường. Nhiều thiết bị đo kiểm trên thị trường cung cấp thẻ nhớ rời để giúp người dùng lưu trữ những lượng lớn dữ liệu.

Các chương trình phân tích dữ liệu tự động hiện nay cung cấp một cách đơn giản và hiệu quả hơn để phân tích và quản lý dữ liệu đo kiểm. Các chương trình này có thể tóm tắt hiệu suất của hơn 10.000 kết quả đo trên một trang; cung cấp góc nhìn tổng quan về dữ liệu trong toàn bộ dự án.

Kết luận

Khi mua một thiết bị đo chứng nhận cáp mới, người dùng thông minh nên cẩn thận so sánh các phép đo mà thiết bị hỗ trợ. Thiết bị có thể kiểm tra các tiêu chuẩn kết nối cáp mới nhất và có khả năng chẩn đoán để khắc phục sự cố không? Thiết bị có đáp ứng được các mức độ chính xác theo yêu cầu với đúng loại cáp đang cần đo kiểm không? Thiết bị đơn giản, dễ sử dụng và cho ra kết quả đo kiểm phù hợp? Thiết bị có thể khắc phục sự cố khi đo chứng nhận không thành công? Thiết bị có thân thiện với người dùng và được chứng nhận bởi các nhà sản xuất? Doanh nghiệp và nhà sản xuất cáp đã kiểm tra chất lượng thiết bị ra sao? Thiết bị có giúp lưu lại kết quả đo kiểm của người dùng không?

Những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn nên cân nhắc: “Tôi sẽ trả thêm một ít nữa ban đầu, hay sẽ phải trả nhiều hơn sau này?”

Nguyễn Văn Đông Minh
Theo Fluke Networks



Bài viết xem thêm